Giá vàng năm 2009: Biến động lớn, thất bại nhiều


2009 là năm có nhiều kỷ lục nhất về sự biến động của giá vàng và là năm có nhiều nhà đầu tư trả giá đắt vì đoán sai xu hướng thị trường. Họ đã bị lỗ nặng kể cả khi giá vàng tăng hay giảm.

Từ mức 900 USD một ounce hồi đầu năm, có lúc xuống dưới 895 USD, giá vàng bất ngờ tạo ra những kỷ lục liên tiếp và mốc ghi nhận là 1.200 USD. Chỉ trong một ngày, giá vàng tăng gần hai triệu đồng một lượng (ngày 11/11) rồi quay đầu giảm hơn ba triệu đồng chỉ trong vài phiên.
Bán cùng bán, mua cùng mua
Biên độ biến động quá lớn, vượt xa dự báo của giới phân tích và nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư cá nhân thường đoán ngược xu hướng thị trường nên mua khi giá cao, bán lúc giá xuống thấp dẫn đến thua lỗ nặng. Theo ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc Sàn vàng Thế giới (VTG), có đến 80% nhà đầu tư trên sàn vàng thua lỗ. Bài học cay đắng nhất khi giá vàng biến động mạnh từ 24 triệu đồng lên trên 29 triệu đồng một lượng, làm không ít nhà đầu tư lỗ hàng tỷ đồng, lâm vào cảnh cạn vốn, nợ nần.
Tuy thế, năm 2009 cũng là năm mà kênh đầu tư vàng chứng tỏ được sức hấp dẫn của nó. Với tỷ lệ ký quỹ 5 - 7%, thì nhà đầu tư chỉ cần có 10 triệu đồng là có thể trở thành nhà đầu cơ vàng. Chính yếu tố này tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của kênh đầu tư nên đã kéo được nhiều người tham gia. Đa số nhà đầu tư mới thường không có kiến thức cơ bản để phân tích yếu tố tác động, diễn biến giá vàng, nên họ mua cùng mua, bán cùng bán. “Giống hệt tâm lý bầy đàn trên thị trường chứng khoán, những nhà đầu cơ vàng nhỏ lẻ năm 2009 bị chi phối quá nhiều tin đồn xấu, cộng với lòng tham, tâm lý "hớt váng" khi thị trường dậy sóng, họ đã bị thua lộ nặng”, tiến sĩ Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP HCM, phân tích.
Theo ông Dương, ngày 11 và 26/11 các công ty vàng điều chỉnh tăng giá từng phút, mức sau cao hơn mức trước từ 300.000 - 500.000 đồng một lượng nhưng vẫn không thể cản lòng tham của nhà đầu tư. Họ chen nhau mua bằng bất cứ giá nào làm cho doanh nghiệp không còn vàng để bán. Nhưng chỉ sau một phiên, giá vàng rớt thảm hại từ 29 triệu đồng về sát 25 triệu đồng một lượng khiến nhiều người thất thần, hoang mang dẫn đến bán tháo, mặc dù nắm chắc lỗ ba triệu đồng một lượng.
Năm sau vẫn hấp dẫn
Theo các chuyên gia, hoạt động trên sàn vàng năm 2009 bộc lộ nhiều tiêu cực của một kênh đầu tư mới mẻ, chưa có hàng lang pháp lý cụ thể. Sàn vàng không ngừng “nở” ra, hiện lên đến 20 sàn có phép cũng như không phép, hoạt động bát nháo mỗi nơi một giá… Khi không được pháp luật bảo vệ, nhà đầu rư chỉ còn biết dựa vào may rủi, hên xui nên họ phải chịu lép vế, thua thiệt trước nhà cái. Theo ông Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Nghiên cứu giá cả thị trường trong nước (Bộ Tài chính), đầu tư vàng trên sàn còn mới mẻ, nên nhà đầu tư nhỏ, lẻ rất khó để tách ra khỏi tâm lý “bầy đàn” khi năng lực thẩm định thông tin của họ còn hạn chế, kiến thức cơ bản để nhận định, phân tích chưa cao. Để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, ổn định an ninh môi trường đầu tư cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng để ngăn chặn tin đồn, thổi giá của giới đầu. Để thị trường minh bạch cần nhiều thông tin chính thống, công khai, kịp thời của Nhà nước. Việc đưa kinh doanh vàng vào quản lý theo luật là rất cần thiết để bảo lệ quyền lợi người dân.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội vàng Việt Nam, trên thế giới những lo ngại về sự trượt giá, lạm phát và giá vàng tăng mạnh trở thành những yếu tố cơ bản làm tăng tính hấp dẫn của vàng trên thị trường vào năm 2010. Thời gian qua, các ngân hàng trung ương, quỹ các quốc gia đã đẩy mạnh việc đa dạng hóa dự trữ theo hướng tăng mua vàng, góp phần lôi cuốn sự quan tâm của nhà đầu tư. Cụ thể, Trung Quốc dự trữ vàng tăng 75% kể từ năm 2003, dự báo dự sắp tới trữ vàng của quốc gia này có thể lên 6.000 tấn; đầu tháng 11, Ấn Độ đã mua 200 tấn và đang muốn mua thêm 203,5 tấn nữa. Hiện nay mới chỉ là giai đoạn đầu của chu kỳ đầu cơ vàng và vàng đang trở thành mục tiêu của hoạt động đầu tư dài hạn.
Ông Khánh cho rằng, tâm lý bảo toàn vốn bằng vàng của người dân rất lớn, nhất là khu vực phía Bắc. Năm 2010, nỗi lo lạm phát tăng cao do chính sách tài chính năm 2009 để lại cùng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế hậu khủng hoảng, trong khi các kênh đầu tư khác tiềm ẩn nhiều rủi ro thì trữ vàng được xem là thượng sách.
Thủy An