Những chiêu thức 'cướp' tiền trên sàn vàng


Hoạt động của sàn vàng hiện nay vẫn còn mang nhiều bất cập, mỗi sàn có một quy định riêng và giá vàng ở mỗi sàn cũng có sự khác biệt. Chính vì chưa có sự quản lý đồng nhất của cơ quan quản lý nên nhà đầu tư (NĐT) luôn phải chịu thiệt thòi và hàng loạt những chiêu thức làm giá được tung ra.

“Đội tự doanh” - họ là ai?
Khác với giao dịch trên thị trường chứng khoán, ở sàn vàng, NĐT được phép sử dụng công cụ bẫy tài chính để mua và bán trên thị trường. Nói là thị trường cho oai, chứ thực tế, chỉ trong giới hạn những NĐT "đánh" với nhau và có những lúc "đấu" với chính chủ sàn vàng để giành chiến thắng. Tuy nhiên, làm sao có thể thắng được khi mà "đằng cán" của con dao luôn được phía ông chủ sàn vàng cầm và NĐT chỉ luôn nắm "đằng lưỡi".
Theo chân NĐT đến một số sàn vàng mới biết, có những thời điểm NĐT gần như cảm thấy phần thắng chắc chắn nằm trong tay nhưng đến phút cuối lại bị "lật kèo".
Bằng kinh nghiệm của mình, NĐT Nguyễn Ngọc Minh, tham gia sàn vàng trong nước hơn 2 năm phân tích: "Chính vì công cụ bẫy tài chính đôi lúc tạo thuận lợi cho NĐT và cũng là công cụ để "giết" NĐT một cách nhanh chóng".
Khi đầu tư vàng, thường căn cứ theo phân tích từ những dự báo và xu hướng của giá vàng thế giới để áp dụng cho sàn vàng tại Việt Nam. Những lần đặt lệnh, những tưởng giá vàng trong nước sẽ có "độ nhạy" tức thời theo đúng quy luật. Nhưng không, có những lúc giá vàng trong nước tăng quá nhanh, quá cao, rớt giá quá chậm và quá sâu. Điều này đã làm thiệt hại cho NĐT trên sàn vàng trong nước một cách đáng kể.
Đơn cử, trong thời gian tới, theo dự đoán của các chuyên gia, nhiều khả năng giá vàng sẽ tăng trở lại do đồng USD suy yếu và nguy cơ lạm phát thế giới quay trở lại. Chính sự mất giá của đồng USD khiến giới đầu tư tài chính xem vàng là công cụ phòng ngừa rủi ro. Nắm bắt nhu cầu này, anh Minh đặt mua 100 lượng vàng theo giá 27,3 triệu đồng/lượng. Và tất nhiên, khi đầu tư trên sàn vàng thì mọi giao dịch đều là mua bán khống. Nếu tính theo tỉ giá USD/VND liên ngân hàng là 18.479 đồng thì lẽ ra giá vàng có những lúc phải chạm ngưỡng 26,8 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên giá vàng trên sàn anh đánh trong ngày cao nhất chỉ chạm ngưỡng 25,6 triệu đồng/lượng. Sau cuộc chơi, NĐT này cho biết mình thất bại nặng vì phải cắt lỗ. Giá vàng trên sàn như một "bàn tay vô hình" thao túng giá và giết nhiều NĐT trên sàn.
Nhà đầu tư chăm chú theo dõi diễn biến giá vàng.
Cuối tháng 11 vừa qua, Ngân hàng nhà nước (NHNN) có những chính sách điều chỉnh tỉ giá giữa USD/VND cũng là thời điểm các sàn vàng "đón đầu" cơ hội làm giá của mình. Cụ thể, ngày 25/11, NHNN ra quyết định về việc ban hành một số quy định liên quan đến giao dịch ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối. Theo đó, tổng giám đốc hoặc giám đốc các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối ấn định tỉ giá mua, tỉ giá bán giao ngay của đồng Việt Nam với các ngoại tệ đối với USD không được vượt quá biên độ +/- 3% so với giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng áp dụng do NHNN thông báo. Và hơn hết, quyết định trên có hiệu lực ở ngày 26/11. Nếu chiểu theo quy định, đến ngày 26/11, mới chính thức áp dụng ở mức 18.500 đồng ăn 1 USD ở biên độ +/- 3%. Nhưng ngay trong buổi chiều, các sàn vàng đã áp dụng ngay tức thì theo quyết định trên. Như vậy họ đã "cướp" tiền của NĐT ngay trên sàn vàng.
Không phải tất cả những ai đầu tư trên sàn vàng trong nước đều thất bại, cũng có người thắng, kẻ thua. Để tìm ra nguyên nhân này, NĐT Nguyễn Thế Phương cho biết, trên sàn vàng có những "đội tự doanh" và chính đây cũng là lực lượng để thao túng giá của sàn vàng. Đây được xem là những đối tượng luôn tìm cách đánh thắng NĐT khi tham gia giao dịch trên sàn vàng. Cũng cần phải nói, "đội tự doanh" là một bộ phận của sàn vàng, cùng tham gia, cùng đặt lệnh trên sàn giao dịch với các NĐT. Còn chuyện "phân biệt đối xử" như thế nào giữa "đội tự doanh" và các NĐT ra sao thì chỉ có trời mới biết.
Thông thường, một giao dịch, để cân đối cung cầu giữa người mua và người bán trên sàn vàng, “đội tự doanh” thường hay "thò bàn tay vào" những giao dịch để tạo cung cầu ảo. “Đội tự doanh” ở đây cũng chính là "con nuôi" của sàn vàng nhằm khống chế giá theo chiều hướng có lợi cho chính chủ sàn. Giả sử, khi NĐT đều dự báo xu hướng giá vàng sẽ tăng trong những phiên sắp tới, do đó sẽ đặt lệnh mua vào ở giá cao để đợi thời cơ bán ra. Khi đó, “đội tự doanh” của sàn vàng sẽ đặt lệnh bán ra ở mức tương ứng để kéo giá vàng đi xuống theo chiều hướng có lợi cho sàn vàng hoặc kìm hãm đà tăng giá trên chính sàn vàng để NĐT ngắc ngoải, chết từ từ.
Công cụ để sàn vàng có thể "đè" NĐT là chỉ cần biết được số người đặt lệnh mua - bán và khối lượng vàng tương ứng. Khi số vàng mua lớn hơn số vàng bán, lập tức "đội tự doanh" sẽ đặt lệnh mua vào và ngược lại. Sẽ không có gì đáng nói, nếu thời điểm đó sàn vàng bị kẹp lệnh. Tức là, nếu "đội tự doanh" trên sàn vàng đang bán xuống 5.000 lượng vàng với giá 26,5 triệu đồng. Đồng thời, sẽ chờ mua trả lại ở mức giá 26 triệu đồng.
Thế nhưng, khi SG (spot gold - thị trường vàng giao ngay) tăng, "đội tự doanh" sẽ ghìm giá sàn và không để cho giá vàng bật lên nữa. Để làm được điều này, "đội tự doanh" sẽ liên tục nhồi thêm lệnh bán để đè giá, mua lại với đúng bằng khối lượng đó một cách chậm rãi và cũng có thể ra quyết định hủy lệnh. Có những lúc, NĐT thấy giá SG tăng, giá sàn không những không tăng mà còn bị đè thì nên cảnh giác với những "bàn tay vô hình" và ngược lại.
Một cách để "bắt tận tay, day tận mặt" là nếu NĐT vàng tinh ý, quan sát kỹ bảng giao dịch điện tử rồi dùng phần mềm chụp lại màn hình trên máy tính là có thể nhận biết được thủ thuật này của những sàn vàng. Về nguyên tắc, giá khớp lệnh trên sàn có hai biến số chính là SG và tỉ giá. Thế nhưng cũng với hai biến số này đủ để NĐT phải điêu đứng và tán gia bại sản. Mỗi khi sàn vàng muốn tăng giá thì chỉ việc nâng tỉ giá và muốn giá vàng giảm thì chỉ việc hạ tỉ giá.
Thực tế, tỉ giá USD/VND mà NĐT giao dịch là tỉ giá do sàn vàng ấn định, không tuân theo bất kỳ quy luật nào của thị trường mà chỉ theo "luật" riêng của từng sàn vàng. Tỉ giá ở cùng thời điểm của mỗi sàn vàng đều ở mức khác nhau và không hoàn toàn giống nhau. Còn khi sàn vàng muốn "kẹp" giá bán xuống, trong khi SG tăng mà "đội tự doanh" không muốn giá tăng, tức thì "đội tự doanh" chỉ việc ép giá sàn đi xuống bằng cách đưa lệnh "ảo" vào sàn.
Ví dụ, "đội tự doanh" tung ra lệnh bán 5.000 lượng "ảo" và với một tỉ giá thấp, đồng thời điều chỉnh thêm phí nộp rút vàng. Để cân đối được vấn đề này, sàn vàng sẽ căn cứ vào chênh lệch giá sàn và tỉ giá USD/VND của thị trường tự do. Khoản phí "bỗng dưng" đúng bằng chênh lệch mong muốn của các sàn vàng.
Những chiêu đẳng cấp trục lợi nhà đầu tư
NĐT L.N.T. thuộc dạng kỳ cựu trên sàn ACB cho biết, về mặt lý thuyết thì sàn vàng là "nhà cái" và chỉ nằm ở cửa giữa. Nhưng thực tế, sàn vàng chỉ có thể trục lợi NĐT chứ riêng NĐT thì không ai có thể biết ai và theo đúng bản chất thì chỉ có NĐT "đánh" với nhau. Một hạn chế do các sàn vàng trong nước tự đặt ra là lập trình phần mềm giao dịch vàng không có lệnh giới hạn. Khi NĐT cần cắt lỗ mà giá chạy mạnh thì lệnh không thể khớp được và chủ sàn có ưu thế cho lệnh của mình có thể khớp trước NĐT. Nếu theo đúng quy định, tỉ giá USD/VND không hẳn đã dao động liên tục trong ngày và chỉ hiển thị theo giới hạn cho phép của NHNN. Còn thực tế khi giao dịch, các sàn vàng vẫn có thể áp giá ngầm bằng giá thị trường tự do.
Để phát hiện ra vấn đề này, NĐT tinh ý, xem bảng điện tử, dựa trên công thức quy đổi của giá vàng và công thức quy đổi thì có thể tính ra tỉ giá USD/VND hiện tại mà sàn vàng áp đặt cho NĐT. Thực chất, việc đầu tư trên một số sàn vàng trong nước chỉ là trò chơi tâm lý. Chỉ có những NĐT nào lâu năm, nắm bắt được quy luật tăng thất thường và giảm đột ngột thì mới có thể thắng được sàn vàng.
Như đã nói, những bảng điện tử để NĐT có thể giao dịch ở từng sàn vàng là do chính "nhà cái" lập ra. Chỉ cần có phần mềm cài đếm lệnh đặt của NĐT, lúc này, "nhà cái" như là những người "vô hình", đứng sau bảng điện tử và sẽ thấy được cách chơi tương ứng. Không phải lúc nào sàn vàng cũng có thể "khống chế" được NĐT. Chơi dao có ngày “đứt tay”.
Có những lúc sàn vàng vẫn phải lỗ nặng vì đánh theo lối tương ứng với vàng thế giới bằng thị trường Forex. Chỉ trừ phi, có những lúc giá vàng biến động mạnh nên không thể đè giá hoặc đẩy giá mãi được. Để có thể cứu vãn được tình thế, sàn vàng buộc phải cắt lỗ một phần và đè giá để cho NĐT lãnh đủ đến khi thoát hết trạng thái thì dừng. Cơn bão giá vàng trên thế giới bỗng dưng quét qua, để tự cứu lấy mình, sàn vàng buộc phải đảo trạng thái. Khi sàn vàng "kẹp" giá bán xuống nhưng SG tăng mạnh, "đội tự doanh" sẽ ra tay để đè giá sàn. Đồng thời đổi trạng thái mua lên. Chờ đến khi, lệnh bán xuống mức có thể gom hết, lúc đó tỉ giá một lần nữa sẽ là công cụ được điều chỉnh hoặc quy đổi để sàn vàng có thể đẩy giá sàn tăng vọt. Lệnh mua được đưa ra của "đội tự doanh" ban đầu sẽ ở mức lời "khủng", NĐT lại tiếp tục sập bẫy của chủ sàn vàng. NĐT L.N.T. đã từng "tố cáo" sàn vàng ACB khi đó đã sử dụng chiêu này để "mần thịt" mình tại sàn.
Nhiều sàn vàng thiếu minh bạch, người dân đổ xô đầu tư vàng miếng.
Một trong những chiêu thức mà bất kỳ một dân đầu tư vàng lành nghề nào trên sàn trong nước đều được biết qua, đó là chiêu xài lệnh quét. Mục đích của các sàn vàng là muốn quét lệnh cắt lỗ của NĐT và càng làm cho NĐT lâm vào cảnh lỗ nặng hơn để "cháy" tài khoản. Khi NĐT đang đặt lệnh chờ khớp, tất nhiên, sàn vàng sẽ nhìn thấy lệnh này từ phía sau của bảng giao dịch điện tử.
Nói rõ hơn, trên bảng giao dịch thường có 5 giá của lệnh mua M1, M2,..., M5 và 5 giá của lệnh bán B1, B2,..., B5. Riêng cột chính giữa là giá khớp. Thế nhưng, con mắt của NĐT chỉ nhìn thấy có bấy nhiêu, trong khi đó các sàn vàng có thể thấy được giá M9 và B9. Lúc này, sàn vàng biết NĐT đặt lệnh bán đã khớp ở B9 là 5.000 lượng và được cài cắt lỗ ở giá B12. Bằng thủ thuật đơn giản, sàn vàng chỉ cần đẩy giá lên đến B12 khiến NĐT buộc phải cắt lỗ. Ngược lại, với giá mua cũng thế.
Nhưng có lẽ "chiêu" lỗi phần mềm như trên sàn VTG là một trong những minh chứng gây thiệt thòi cho NĐT nhất. Khi giá vàng giao dịch trên sàn đang nóng, những lệnh mua vào của NĐT đều khớp lệnh và khi NĐT liên hệ sàn vàng để lĩnh tiền thì được phán là phần mềm bị "hack". Trước đây, một số sàn vàng còn sử dụng chiêu "rút dây điện", khiến bảng giao dịch điện tử bất thình lình "đứng hình", NĐT không thể đặt lệnh mua hay bán ngay thời điểm này. Và, mọi thiệt hại NĐT đều phải gánh chịu sau khi bảng giao dịch hoạt động trở lại.
Khi các sàn vàng nắm bắt được giá vàng thế giới có xu hướng tuột dốc không phanh như thời gian qua, trong phiên giao dịch có những lúc giá vàng đột ngột tăng so với trước đó thì cũng là lúc vàng dễ bị làm giá nhất. Ngược lại, khi thị trường vàng có xu thế tăng mạnh và bỗng dưng giá vàng quay đầu đột ngột giảm giá so với trước đó và tiếp tục tăng trở lại.
Thời điểm giá vàng đang điều chỉnh, "lình xình" trong những ngày gần đây bỗng dưng có những lúc tăng hay rớt giá mạnh một cách bất thường. Đây là thời điểm thị trường vàng chỉ tạo thành những cơn sóng khá nhỏ, có dấu hiệu như có thể thị trường sắp giảm mạnh hoặc tăng cao, đối nghịch với xu hướng hiện tại, nhằm đánh lừa tâm lý NĐT. Khi đó, từ những thông tin về tình hình ngoại tệ như đồng USD, tình hình kinh tế Mỹ và khả năng cung cầu của thị trường vàng trong nước mà các sàn vàng có những chiến lược làm giá cụ thể. Dù vậy, cũng có những lúc thị trường đang trong xu thế đi ngang với biên độ dao động càng nhỏ lại và càng nhiều cơ hội để thực hiện kỹ xảo làm giá.
Theo phân tích của chuyên gia tài chính Nguyễn Hải Thanh (Adwin) thì đây là chiêu thức gian lận để các sàn vàng "đốt cháy" tài khoản giao dịch của NĐT. Họ chỉnh cho giá trượt mạnh lên hoặc xuống rất nhanh rồi quay trở lại mức giá cũ hoặc dần với giá cũ dù giá chuẩn quốc tế không biến động. Tuy nhiên, nhiều NĐT cũng hiểu được các chiêu thức gian lận này nên đặt giá chờ ở mức rất thấp hoặc ngược lại để đón đầu. Sự việc mới đây ở sàn VTG rất có thể là một trong những trường hợp này