Sự kiện kinh tế nổi bật 2009


Giá vàng biến động "điên loạn", USD không ngừng tăng như vũ bão, thị trường chứng khoán dồn dập tin đồn, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh hơn cả thời kỳ kinh tế khủng hoảng 2008... là những sự kiện kinh tế nổi bật, thậm chí gây "sốc" trong năm qua.


Lần đầu tiên, giá vàng phá mốc 29 triệu đồng
Giá vàng bắt đầu tăng vùn vụt theo chiều thẳng đứng từ mốc hơn 23 triệu đồng một lượng vào đầu tháng 10 lên tới mức kỷ lục 29,3 triệu đồng vào ngày 11/11. Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tháng, giá vàng đã đội lên tới 6 triệu đồng, bằng đà tăng của 10 tháng đầu năm và của nhiều năm trước đó, một mức tăng không tưởng.
Giá vàng trong nước thời điểm đó chênh quá xa so với giá thế giới, có thời điểm khoảng cách lên tới hơn 3 triệu đồng một lượng. Giá kim loại quý không ngừng tăng như vũ bão, giới đầu tư và người dân náo loạn, Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp “mạnh tay” để bình ổn thị trường bằng cách cho phép nhập khẩu lại vàng ngày 11/11.
Ngay sau quyết định đó, giá vàng bất ngờ đảo chiều, trong vòng một vài tiếng mỗi lượng vàng mất gần 2 triệu đồng. Đáng chú ý là chênh lệch biên độ giữa giá mua và bán lần đầu tiên trong lịch sử lên tới hơn 1 triệu đồng mỗi lượng. Một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn thậm chí ngừng thu mua vàng của dân. Khi giá vàng đột ngột giảm mạnh, không ít người “tan cơ sạt nghiệp” vì trót ôm vàng giá cao, đến khi giá giảm, chấp nhận lỗ cũng không bán ra được.
Từ đó đến nay, giá vàng tuy không có mức tăng đột biến nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao, 26 – 28 triệu đồng một lượng, xu hướng tăng, giảm vẫn không rõ ràng.
Giá vàng khởi đầu năm nay ở mốc hơn 17,5 triệu đồng một lượng và nhìn vào sơ đồ giá trong năm 2009 chỉ thấy đà tăng liên tục, có vài thời điểm vàng xuống hoặc chững giá nhưng độ giảm khá nhẹ và ngắn so với độ tăng. Chênh lệch giữa mức giá cao nhất (29,3 triệu đồng) và thấp nhất trong năm (17,5 triệu đồng) lên tới gần 12 triệu đồng mỗi lượng. Như vậy, có thể thấy chưa có năm nào giá vàng biến động "điên loạn" và gây sốc cho người dân trong nước cũng như thế giới như năm nay.
Giá USD lên cao kỷ lục
Tháng 11 được xem là tháng giá vàng, USD cùng “nhảy múa” khi giá USD trên thị trường tự do liên tục “leo thang” với tốc độ chóng mặt. Mốc kỷ lục lịch sử của giá USD được đánh dấu chiều 24/11 tại thị trường tự do Hà Nội, hàng loạt điểm thu đổi ngoại tệ nâng giá lên mức phổ biến 19.900 đồng một USD, một số nơi giá thậm chí lên tới 20.000 đồng.
Cũng trong ngày này, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp can thiệp thị trường bằng cách quyết định nâng tỷ giá USD/VND thêm 3%, từ mức 16.494 đồng một USD lên 16.988 đồng. Lần đầu tiên, tỷ giá USD liên ngân hàng tăng một lúc lên gần 500 đồng một USD. Trước đó, mỗi lần điều chỉnh tăng giảm chỉ khoảng 1 – 3 đồng một USD.
Lãi suất cơ bản giữ nguyên suốt 10 tháng
Tháng 2 năm nay, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất cơ bản từ mức 8,5% áp dụng trong tháng 1 xuống còn 7% một năm. Từ đó, lãi suất cơ bản liên tục được giữ nguyên trong suốt 10 tháng sau đó. Đến tháng cuối năm, mức lãi suất này mới được điều chỉnh tăng lên 8%.
Mặc dù lãi suất cơ bản được giữ nguyên trong gần một năm nhưng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại trong năm nay vẫn không ngừng tăng theo từng thời điểm và chỉ chờ cơ hội để “bùng phát”.
Năm thị trường chứng khoán hứng nhiều tin đồn
Chưa bao giờ, thị trường chứng khoán có nhiều tin đồn như trong năm nay với hình thức ngày càng tinh vi hơn như gửi tin nhắn, tin rác trực tiếp đến số máy nhà đầu tư…
Từ tháng 9 đến giữa tháng 12 được xem là thời điểm thị trường chứng khoán hứng nhiều tin đồn nhất, trong đó chủ yếu là các thông tin không chính xác, thậm chí sai lệch về chính sách của nhà nước về tài chính, tiền tệ. Lượng tin đồn dồn dập đến nỗi ngày 12/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải gửi công văn đến các sở giao dịch, các công ty chứng khoán yêu cầu phối hợp giám sát và ngăn ngừa những đồn thổi trên thị trường này, thậm chí sẽ phối hợp với công an và các cơ quan chức năng khác trong trường hợp cần thiết.
Trung tuần tháng 9, tin đồn chia thưởng cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết lan truyền rầm rộ trên các sàn chứng khoán, nhà đầu tư tỏ ra hoang mang, khiến nhiều doanh nghiệp phải gửi công văn đến các sở giao dịch chứng khoán để bác bỏ tin đồn.
Đến khoảng gần cuối tháng 10, thị trường chứng khoán lại rộ lên tin đồn gói kích cầu sẽ không được Chính phủ thông qua, trong khi Quốc hội vẫn đang bàn thảo về kích thích kinh tế và chưa đến hồi quyết định. Trong phiên giao dịch ngày 23/10, rất nhiều nhà đầu tư nhận được tin nhắn qua điện thoại có nội dung gói kích cầu thứ hai đã bị bác bỏ, thậm chí tin nhắn trên còn được gửi tới máy của một số chuyên gia kinh tế. Ngay sau tin nhắn này, nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoang mang và mất phương hướng, bắt đầu bán tống bán tháo, khiến thị trường hai phiên liên tiếp đột ngột quay đầu giảm điểm mạnh. Riêng phiên giao dịch ngày 23/12, khối lượng cổ phiếu được giao dịch thành công lên đến kỷ lục với 137 triệu chứng khoán, chủ yếu là bán ra.
Chưa hết, ngày 26/10, nhiều nhà đầu tư trên sàn còn nhận được tin nhắn bi quan hơn với nội dung: “Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ công bố thông tin rất xấu về thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nên xả hàng”.
Sau đó, đến ngày 30/10, gói kích thích kinh tế chính thức được Chính phủ thông qua, tin đồn trên lộ rõ bản chất thất thiệt nhưng hậu quả lại khôn lường.
Phiên giao dịch ngày 30, 31/11 và 1/12, nhà đầu tư bắt đầu tìm lại niềm tin giúp Vn - Index tăng liền một mạnh 50 điểm (từ mức 464 điểm lên 514 điểm). Tuy nhiên, tới phiên kế tiếp (2/12), tin đồn lại một lần nữa đánh vào tâm lý nhà đầu tư khi có nguồn tin Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng dự trự bắt buộc, phát hành tín phiếu bắt buộc hay thậm chí là phát hành đồng tiền mệnh giá lớn là 1 triệu đồng, Vn - Index đột ngột lao dốc, xuống sát mốc 500 điểm.
Trong cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước phải chính thức thông báo tin đồn trên là sai sự thật, nhưng các phiên sau đó cả người bán và người mua đều tỏ ra thận trọng, khiến thanh khoản của thị trường ở mức rất thấp.
Kim ngạch sụt giảm
Năm 2009, khi nền kinh tế trong nước và thế giới đang dần phục hồi thì kim ngạch xuất, nhập khẩu lại sụt giảm quá sâu so với năm 2008, thời kỳ khủng hoảng của kinh tế toàn cầu.
Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm nay đạt 56,5 tỷ USD, thua xa kế hoạch đề ra của năm là 64,6 tỷ USD, giảm 9,9% so với thực hiện năm 2008 (62,7% tỷ USD). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có sự sụt giảm mạnh nhất. Năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không tính dầu thô) chỉ đạt 21,3 tỷ USD, trong khi kế hoạch đề ra là 30 tỷ USD và con số thực hiện được trong năm 2008 là 24,2 tỷ USD. Trong các nhóm mặt hàng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 17,6 tỷ USD, giảm 1,6 tỷ USD so với năm 2008, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp đạt 25,9 tỷ USD, giảm 2,6 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt 13 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuống dốc của kim ngạch xuất nhập khẩu là do giá giảm (dù nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng thêm về lượng), điển hình là các mặt hàng dầu thô, than đá, cà phê và cao su.
Ngoài ra, nguyên nhân chính vẫn là khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế dẫn đến thương mại toàn cầu giảm sút, sản xuất đình trệ, tiêu dung hạn chế ở mức tối đa ở những nước vốn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam (Mỹ, Nhật bản, EU…).
Đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm
Nếu như năm 2008, Việt Nam đạt mức kỷ lục về vốn đầu tư đăng ký (64 tỷ USD), vốn đầu tư thực hiện cũng đạt mức cao (11,5 tỷ USD) thì trong năm 2009, lượng vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn của các dự án đang hoạt động chỉ đạt 20 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 8 tỷ USD.
Nguyên nhân chính do một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng hoạt động do những khó khăn của công ty mẹ ở trong nước. Nhiều dự án lớn, trong đó có cả các dự án “khủng” với số vốn đăng ký lên tới gần 10 tỷ USD, phải đình hoãn triển khai.
Tuy nhiên, trái ngược với sự giảm mạnh của FDI, nguồn vốn đầu tư trong nước lại tăng vọt trong năm nay. Ước tính tổng đầu tư toàn xã hội năm 2009 đạt 708,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2008 và bằng 42,2% GDP. Trong đó, nguồn vốn đầu tư nhà nước là 321 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,4%; nguồn vốn đầu tư của tư nhân và của dân cư là 220,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,1%; nguồn vốn FDI quy ra VND là gần 150 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,2%. Các số liệu này vừa phản ánh các nguồn lực trong nước được huy động tích cực hơn, vừa phản ánh việc gia tăng sự can thiệp của Nhà nước vào đời sống kinh tế.
Kinh tế thiệt hại nặng từ thiên tai, dịch bệnh
Năm 2009, thiên tai như bão lũ, triều cường, lốc xoáy bùng phát trên cả ba miền, trong đó miền Trung là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề, tàn khốc nhất. Liên tiếp trong hai tháng 9 và 10, cơn bão số 9 và số 10 đã tàn phá nhiều địa phương, gây ra mất mát to lớn về người và của, phá hủy hàng nghìn công trình công cộng cũng như tư nhân, thiệt hại được đánh giá lớn hơn nhiều so với cơn bão Sangsene gây ra năm 2006.
Riêng cơn bão số 10, tổng giá trị thiệt hại cả nước lên tới 10.484 tỷ đồng, các địa phương thiệt hại nặng nhất là Quảng Ngãi với 4.600 tỷ đồng, Quảng Nam (3.500 tỷ đồng), Quảng Trị (909 tỷ), Đà nẵng (495 tỷ đồng).
Năm nay cũng là năm đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của dịch cúm A/H1N1 trên toàn thế giới và tại Việt Nam. Đây cũng là năm dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh và được đánh giá là nguy hiểm, dai dẳng nhất, đồng thời dịch cúm gia cầm lại tái phát. Thiệt hại do các dịch bệnh trên gây ra tuy chưa thể thống kê đầy đủ nhưng được đánh giá là nặng nề hơn so với năm 2008.
Tác giả : (Theo taichinhdientu)