Giá vàng tiếp tục tăng bất thường ngay đầu tuần

Những ngày cuối tuần, thị trường vàng trong nước tiếp tục tăng giá bất thường, xác lập kỷ lục cách biệt với giá thế giới. Một điểm bất thường khác, là nhu cầu vàng từ các tổ chức tín dụng vẫn cao, dù ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định các đơn vị này đều đã tất toán xong trạng thái.

Phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 37,6 – 38,2 triệu đồng/lượng (giá mua vào – bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa phiên giao dịch ngày trước đó. Diễn biến này khá bất thường trong bối cảnh giá vàng thế giới đã giảm mạnh trước phiên giao dịch cuối cùng trong tuần. Phiên giao dịch 5.7, vàng thế giới có lúc mất tới 44 USD/ounce so với phiên trước đó và giá giao ngay đóng cửa còn 1.223 USD/ounce (giảm 28,7 USD/ounce), quy đổi tương đương 31,15 – 31,34 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng trong nước đắt hơn giá thế giới xấp xỉ 6,4 triệu đồng/lượng giá mua vào, 6,8 triệu đồng/lượng giá bán ra.
Sau đấu thầu, giá lại tăng
Diễn biến này của thị trường vàng gây bất ngờ cho nhà đầu tư, bởi ngược với nhận định chênh lệch giá trong nước – thế giới sẽ giảm dần sau 30.6 – khi các tổ chức tín dụng tất toán xong trạng thái. Những ngày đầu tiên của tháng 7, khoảng cách này có thời điểm rút ngắn còn 4,8 triệu đồng/lượng, tuy nhiên, đã tăng dần trở lại và đỉnh điểm lên xấp xỉ 7 triệu đồng/lượng trong phiên cuối tuần qua, dù NHNN vẫn tiếp tục cung cấp vàng ra thị trường, thậm chí quy mô đấu giá còn tăng lên 40.000 lượng/phiên thay cho 26.000 lượng/phiên như trước đó.

Những ngày cuối tuần, thị trường vàng trong nước tiếp tục tăng giá bất thường, xác lập kỷ lục cách biệt với giá thế giới.
Sau 30.6, nhu cầu vàng vẫn nóng bỏng, dù NHNN khẳng định tất cả các đơn vị đã đóng trạng thái, là một diễn biến bất ngờ và bất thường. Cụ thể, trong ba phiên đấu giá kể từ khi các tổ chức tín dụng tất toán xong trạng thái (tổ chức vào các ngày 2, 3 và 5.7), đã có 110.000/120.000 lượng vàng chào thầu được mua với mức giá cao, có phiên cao hơn giá thị trường cùng thời điểm xấp xỉ 1 triệu đồng/lượng.
Trước kết quả đấu thầu này, giá vàng trên thị trường dù đang có xu hướng giảm, lập tức quay đầu tăng và nới rộng thêm khoảng cách với giá thế giới và tình trạng này được lặp đi lặp lại. Ngay như phiên đấu thầu vàng gần nhất, ngày 5.7, 40.000 lượng vàng (xấp xỉ 1,5 tấn) tiếp tục được vét sạch, giá trúng thầu cao nhất 38,08 triệu đồng/lượng, thấp nhất 37,9 triệu đồng/lượng. So với mức giá niêm yết cùng thời điểm, giá trúng thầu đắt hơn xấp xỉ 400.000 đồng/lượng so với giá mua vào của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Kết quả là, giá vàng trong nước đã dâng lên, đắt hơn giá thế giới gần 7 triệu đồng/lượng.
Tổ chức tín dụng vẫn “khát” vàng
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng khẳng định, cung vàng vẫn không đủ cầu và toàn bộ vàng đấu thầu rơi vào tay các tổ chức tín dụng. Lãnh đạo một công ty vàng bạc tại Hà Nội, cho biết, ngay trong phiên đấu thầu 5.7, doanh nghiệp của ông không mua được lượng nào. Toàn bộ 40.000 lượng vàng đấu giá phiên này được mua bởi các tổ chức tín dụng, nhưng không được bán ra thị trường lượng nào. Bản thân doanh nghiệp của ông đã liên hệ với một tổ chức tín dụng vừa trúng thầu 15.000 lượng vàng đặt vấn đề mua lại một khối lượng nhất định, nhưng không được. “Tôi không rõ tổ chức tín dụng đó cũng như các đơn vị khác ôm một lượng vàng lớn như vậy để làm gì. Nhưng tình trạng thiếu nguồn cung là nguyên nhân chính đẩy giá trong nước tăng cao”, lãnh đạo một doanh nghiệp vàng nói.
Chênh lệch giá bất thường, nhà đầu tư và người dân thận trọng hơn khiến giao dịch vàng những phiên cuối tuần chững lại, cán cân giao dịch có phần cân bằng hơn. Trong khi đó, thị trường ngoại hối có phần sôi động khi tăng cả giá và mãi lực. Trong phiên giao dịch cuối tuần, các ngân hàng đều nâng giá USD bán ra lên kịch trần là 21.246 đồng/USD, trong khi giá mua vào chênh lệch nhau từ vài chục đến cả trăm đồng/USD. Giá USD trên thị trường tự do cũng vọt lên trên 21.700 đồng/USD, tăng xấp xỉ 300 đồng/USD.
Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại, giá vàng trong nước tăng, khoảng cách với giá thế giới rộng khiến tình trạng nhập lậu vàng trở nên nóng, làm phát sinh nhu cầu gom USD. Trong hệ thống ngân hàng, nhu cầu mua – bán ngoại tệ cũng sôi động, có phần vì nhu cầu USD cho nhập khẩu xăng dầu. Cũng theo ông, không loại trừ thị trường ngoại hối xuất hiện dấu hiệu đầu cơ, trong bối cảnh NHNN nới biên độ và lãi suất VND giảm mạnh. Theo báo cáo của NHNN, trong tuần cuối tháng 6, doanh số giao dịch liên ngân hàng bằng USD quy đổi ra VND đạt 125.460 tỉ đồng, tăng trên 150%. Các giao dịch USD tập trung ở kỳ hạn qua đêm, với doanh số của kỳ hạn này bằng USD quy đổi ra VND đạt xấp xỉ 98.002 tỉ đồng, tương đương khoảng 78% tổng doanh số USD.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngân hàng trên, diễn biến trên thị trường ngoại hối chưa nóng đến mức cần sự can thiệp của NHNN bởi thời điểm hiện nay chưa phát sinh nhu cầu ngoại tệ cao và sự “nóng” lên của tỷ giá có thể chỉ trong ngắn hạn.