Những sự kiện kinh tế thế giới nổi bật 2009


Bức tranh kinh tế thế giới năm 2009 tiếp tục nhuốm một màu xám khi chứng kiến sự gục ngã hàng loạt của các ngân hàng Mỹ, sự lên ngôi “bất thường” của giá vàng cùng cuộc khủng hoảng nợ Dubai.

Giá vàng “nhảy múa”
Năm 2009 là một năm đầy ấn tượng của vàng. Giá kim loại quý này liên tục xô đổ các mốc kỷ lục dù có thời điểm chỉ thiết lập trước đó vài giờ. Giá vàng đã tăng 39% trong năm nay và mức đỉnh hiện tại là 1.226,1 USD được thiết lập ngày 1/12.
Giải mã cơn bão giá vàng này, giới chuyên gia nhận định, trong những tháng cuối năm, tốc độ phục hồi kinh tế tại Mỹ chưa rõ ràng và triển vọng của đồng USD không sáng sủa, những lo ngại về sự trượt giá tiền giấy và lạm phát trở thành những yếu tố cơ bản làm tăng tính hấp dẫn của vàng trên thị trường.
Thêm vào đó, các ngân hàng Trung ương và quỹ quốc gia đua nhau đẩy mạnh việc đa dạng hóa dự trữ theo hướng tăng mua vàng, góp phần lôi cuốn sự quan tâm của nhà đầu tư.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, hiện mới chỉ là giai đoạn đầu của chu kỳ đầu cơ vàng và vàng đang trở thành mục tiêu của hoạt động đầu tư dài hạn.
USD “thất thế”
USD, đơn vị tiền tệ thuộc loại mạnh nhất trên thế giới đã trải qua một năm tuột dốc không phanh. Từ khi khủng hoảng tài chính bùng nổ khiến Chính phủ toàn cầu phải dốc sức giải cứu đến nay, chỉ số ngoại tệ này không ngừng rơi xuống mốc thấp nhất trong lịch sử. Trong bối cảnh giá dầu mỏ, vàng, hàng hóa tăng mạnh, tỷ giá đồng USD/EUR, tỷ giá USD/GBP, tỷ giá USD/AUD đều trượt giảm.
Nhà phân tích kinh tế tại OCBC, ngân hàng lớn thứ ba Singapore, Đống Minh, cho rằng: “Năm 2009, chính sách tiền tệ nới lỏng cực độ của các nước ở mức độ rất lớn khiến chỉ số đồng USD tuột dốc không phanh. Đồng USD lãi suất thấp đã khiến các nhà đầu tư xem nhẹ đồng Mỹ kim và nhanh nhóng muốn bán tháo số tài sản này”.
Tuy nhiên, gần về cuối năm, đồng USD lại đảo chiều. Song giới trong ngành cho rằng, USD tăng chỉ là sự điều chỉnh kỹ thuật của thị trường. Năm 2010, đồng Mỹ kim được dự đoán sẽ tiếp tục sụt giảm.
Đây có lẽ là lần đầu tiên vị thế của USD thực sự bị thách thức sau hơn 60 năm thống trị tiền tệ thế giới kể từ ngày 44 quốc gia họp nhau tại Bretton Wood, Mỹ vào tháng 7/1944 để thống nhất về hệ thống tài chính - tiền tệ toàn cầu.
"Cú sốc" Dubai
Thị trường thế giới ngày 23/11 đón nhận một thông tin gây sốc khi Dubai World, một doanh nghiệp Nhà nước hàng đầu xin khất nợ, khiến thị trường tài chính toàn cầu được phen chao đảo.
Vụ “nhà giàu khất nợ” bắt đầu khi Chính phủ Dubai tuyên bố, Dubai World có kế hoạch xin hoãn trả khoản nợ lên tới 59 tỷ USD, hơn 2/3 trong tổng số nợ 80 tỷ USD của Chính phủ nước này. Tuyên bố trên của các nhà chức trách Dubai được xem là một động thái bất ngờ và gây "sốc" vì trong mấy tháng qua, thị trường luôn tin tưởng rằng, Dubai thừa khả năng thanh toán nợ.
Tuyên bố về kế hoạch xin khất nợ của Dubai đã nhanh chóng tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán các nước và niềm tin của giới đầu tư đối với nợ Chính phủ. Không chỉ khiến chứng khoán thế giới “đỏ sàn”, yêu cầu hoãn thanh toán nợ này của Dubai còn kéo giá dầu và vàng cùng sụt giảm.
Tuy nhiên, trong lúc tưởng chừng như phải “nhắm mắt xuôi tay”, Dubai lại may mắn được người láng giềng Abu Dhabi giải cứu với 10 tỷ USD. Song giới phân tích nhận định, liều thuốc này chỉ có thể là giải pháp tình thế. "Bóng ma" của cuộc khủng hoảng nợ sẽ còn ám ảnh Tiểu vương quốc Dubai chừng nào quốc gia này và các chủ nợ tìm được tiếng nói chung trong thỏa thuận cơ cấu nợ.
Vụ bê bối gây chấn động ngành tài chính Ấn Độ
Chứng khoán đóng cửa, cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hàng loạt nhân viên không được trả lương... sau khi Chủ tịch kiêm người đồng sáng lập Satyam, công ty sản xuất linh kiện lớn thứ tư Ấn Độ thú nhận gian lận kế toán để thổi phồng tài sản và lợi nhuận.
Ông Raju, cho hay thường xuyên làm giả các số liệu kế toán của công ty trong suốt quá trình công ty này phát triển từ một doanh nghiệp nhỏ trở thành một “đại gia” gia công phần mềm với 53.000 nhân viên tại 66 quốc gia. Trong một tuyên bố gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Bombay, ông Raju cho biết, vụ gian lận này bắt nguồn từ một chênh lệch số liệu nhỏ, nhưng sau đó đã vượt quá tầm kiểm soát của ông.
Theo những gì ông Raju tiết lộ, phần lớn tài sản và lợi nhuận của công ty hoàn toàn là giả mạo. Trong số 53,6 tỷ Rupee tiền mặt và số dư tài khoản ngân hàng mà Satyam công bố là tài sản ở cuối quý II/2008, có tới 50,4 tỷ Rupee, tương đương một tỷ USD là không tồn tại.
Thêm vào đó, mức doanh thu quý III/2008 là 27 tỷ Rupee thực ra đã bị thổi phồng 20% so với thực tế. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận hoạt động thực sự của công ty này trong quý III chỉ bằng 1/10 so với con số được thông báo. Sau khi lời thú nhận trên được đưa ra, ông chủ tịch này ngay lập tức được giới quan sát quốc tế ví với "trùm lừa" Madoff của Mỹ.
Lao động thất nghiệp hàng loạt
2009 là một trong những năm đen tối nhất đối với người lao động. Theo thống kê của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), so với năm 2007, tức thời kỳ tiền khủng hoảng, trận động đất tài chính và kinh tế lần này cướp mất công việc làm của từ 40-60 triệu người trong năm 2009; đẩy khoảng 200 triệu người lao động vào cảnh khốn cùng với thu nhập chưa đầy hai USD một ngày.
Tầng lớp bị tác động nhiều nhất là thanh niên và phụ nữ. Số thanh niên dưới 26 tuổi không có việc làm nhảy vọt từ 12% lên thành 15% trong một năm vừa qua. ILO lo ngại tình trạng này dẫn đến một cuộc khủng hoảng về mặt xã hội, nhất là kinh nghiệm cho thấy, kinh tế vươn lên thì cũng phải mất từ bốn đến năm năm sau đó, thị trường lao động mới được cải thiện. Do vậy, ILO kêu gọi cộng đồng thế giới cùng “liên minh vì công ăn việc làm”.
Năm thất bát của ngành công nghiệp ô tô Mỹ
2009 là một năm gian khó nhất đối với ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Chrysler và General Motors, hai trong số ba đại gia của ngành xe hơi đều lần lượt đệ đơn xin bảo hộ phá sản, dựa vào khoản cứu trợ từ Chính phủ để bước ra khỏi trình tự phá sản, hoàn thành việc tái cơ cấu nợ.
Trong khi đó, hãng xe Ford dù chưa phải nộp đơn bảo hộ phá sản, nhưng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hóa cũng bước đi rất gian nan.
Để giải cứu ngành công nghiệp ô tô, Tổng thống Obama nhanh chóng thành lập tổ công tác đặc biệt của ngành công nghiệp ô tô, đồng thời cung cấp khoản vay cứu trợ trị giá 50 tỷ USD cho GM và Chrysler. Không chỉ tiếp nhận 9,85% cổ phần của Chrysler, 60,8% cổ phần của GM và 2,1 tỷ USD cổ phần ưu đãi, Chính phủ còn nhận khoản nợ trị giá 13,8 tỷ USD của hai công ty này.
Giới phân tích trong ngành nhận định, dù ngành công nghiệp ô tô Mỹ đã trải qua một năm đầy khó khăn nhưng cuối cùng thì nó cũng được rời khỏi “phòng cấp cứu”. Tuy nhiên, muốn khôi phục hoàn toàn, cần phải có thời gian và sự kiên nhẫn để đương đầu với các thách thức khác. Các chuyên gia dự đoán, năm sau, tổng số lượng tiêu thụ xe hơi tại thị trường Mỹ tiếp tục giữ ở mức 10 triệu chiếc, rất khó khôi phục được mức 15 triệu chiếc như thời kỳ trước khủng hoảng.
Nỗ lực khôi phục kinh tế của Tổng thống Obama
Ngay sau khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Obama nhanh chóng tìm cách kéo nền kinh tế thoát khỏi "bãi lầy" bằng chương trình kích thích kinh tế chưa từng có trị giá 787 tỷ USD. Giải pháp kịp thời này của Chính quyền Obama giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế vượt tầm kiểm soát, song nó góp phần dẫn đến mức thâm hụt khổng lồ mà có thể dẫn đến lạm phát và tăng thuế.
Andy Busch, chiến lược gia phụ trách vấn đề chính sách tại BMO Capital Markets, cho rằng, sáng kiến tăng chi tiêu của Chính phủ giúp ổn định nền kinh tế, nhưng chính những sáng kiến này đã làm gia tăng thâm hụt ngân sách. Ông nhấn mạnh: "Trong ngắn hạn, ông Obama đã giúp ổn định mọi thứ, nhưng về lâu dài ông đã tạo ra cơn sóng thần tài chính mà có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính khác trong một vài năm tới nếu không kịp thời ứng phó".
Trong khi đó, cựu cố vấn Tổng thống Barry Bosworth cho rằng, các chính sách đối phó của ông Obama về cơ bản là hợp lý.
Kinh tế Nhật Bản suy giảm đáng báo động
Trong khi nhiều nền kinh tế thế giới đang phát đi những tín hiệu tích cực thì kinh tế Nhật Bản vẫn chưa có biểu hiện của “thoát hiểm”. Theo các số liệu được công bố hôm 9/12 từ Văn phòng nội các Nhật Bản, trong quý III năm nay, GDP của Nhật giảm 0,3% so với quý II.
Văn phòng Nội các Nhật Bản cho hay, nguyên nhân chủ yếu khiến cho kinh tế Nhật Bản giảm trong quý III là nhu cầu của thị trường nội địa có những thay đổi lớn, mức tăng trưởng bị điều chỉnh giảm thành âm, những đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của thị trường nội địa từ 0,8% cũng chỉ còn 0,1%.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho hay, hiện tại Nhật Bản rơi vào tình cảnh giảm phát và Chính phủ đang nỗ lực khống chế. Để kích thích nhu cầu trong nước, Chính phủ nước này cũng tỏ ra khá “nhanh nhạy” khi tuyên bố thực hiện kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 24.400 tỷ yen, để ứng phó với hiện tượng đồng tiền này tăng giá và ngăn chặn kinh tế suy thoái.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia phân tích, gói kích thích không mang lại những hiệu quả thực sự lớn cho tình hình u ám của nền kinh tế Nhật. Chủ tịch Morgan Stanley tại châu Á, Stephen Roach, cũng chỉ ra rằng, kế hoạch kích thích kinh tế này “không đáng kể” với nền kinh tế Nhật.
Trào lưu phá sản hàng loạt của các ngân hàng Mỹ
Tới thời điểm này, kinh tế Mỹ đã có nhiều dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, hậu quả của thời kỳ khủng hoảng và suy thoái vẫn chưa buông tha các ngân hàng của nước này. Các vụ vỡ nợ và đóng cửa ngân hàng vẫn diễn ra đều đặn ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Số ngân hàng bị giải thể từ đầu năm tới nay lên tới con số 140. Đây là con số kỷ lục về số vụ giải thể ngân hàng tại Mỹ kể từ năm 1992. Năm ngoái, chỉ có 25 ngân hàng Mỹ đổ vỡ.
Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho hay, cơ quan này đã phải chi 30 tỷ USD để giải quyết các vụ đóng cửa ngân hàng trong năm nay và dự kiến sẽ phải chi thêm khoảng 100 tỷ USD cho công tác này trong bốn năm tới.