Tin vắn kinh tế tài chính thế giới 21/1


Trung Quốc công bố tốc độ tăng trưởng GDP tới 8,7% trong năm 2009, vượt xa dự kiến. Tuy nhiên, không khí ảm đạm vẫn bao trùm thị trường tài chính thế giới, đặc biệt là tại châu Âu.

Đôla Mỹ và yen Nhật có được một phiên tăng giá so với hầu hết các đồng tiền mạnh khác trên thị trường hối đoái quốc tế đêm ngày 20/1 khi giới đầu tư bắt đầu tỏ ra lạnh nhạt với các tài sản có độ rủi ro cao. Trong khi đó, đồng euro tiếp tục đi xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua khi kinh tế Hy Lạp tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng.

Đầu phiên giao dịch sáng nay tại thị trường Tokyo, một euro tương đương 1,4106 USD hoặc 128,68 yen Nhật. Trong khi đó, một USD đổi được 91,23 yen.

Giá vàng dao động trên mức 1.100 USD sau khi mất tới 2% trị giá trong ngày 20/1 do giới đầu tư tỏ ra thận trọng trước xu thế tăng giá của đồng đôla và chính sách thắt chặt tín dụng tại Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới dự kiến sẽ công bố số liệu CPI và GDP trong ngày 21/1.

Đầu phiên giao dịch sáng nay tại châu Á, vàng giao ngay đạt giá 1.115,95 USD một ounce, tăng nhẹ 0,4% so với thời điểm đóng cửa thị trường New York trong đêm 20/1. Giá vàng giao tháng 2 cũng tăng 0,3%, lên mức 1.116,1 USD một ounce.

Giá dầu giảm khá mạnh trong đêm 20/1 do tác động của thị trường chứng khoán Mỹ, đồng đôla tăng giá cũng như dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng mạnh như dự đoán. Giá xăng tiếp tục giảm trong ngày thứ 6 liên tiếp.

Trên thị trường dầu mỏ vẫn xuất hiện các đơn hàng giao trong tháng 2 với giá 77,62 USD một thùng, giảm 1,4 USD so với thời điểm mở cửa ngày 20/1. Tuy nhiên, phần lớn giao dịch đã chuyển sang thời hạn giao hàng tháng 3, giá phổ biến đạt 77,74 USD một thùng.

Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, và 3,2% trong năm 2011, sau khi thụt lùi 2,2% hồi 2009. Cũng như trong các báo cáo trước, các nước đang phát triển tiếp tục là đầu tàu kéo thế giới trên đà phục hồi, với tăng trưởng GDP trung bình đạt 5,2% trong năm nay. Trong đó, các khu vực phát triển ấn tượng là Trung Quốc với mục tiêu 9% và Nam Á có thể tăng trưởng 6,9% trong năm 2010.

Tuy nhiên, trong một khảo sát mới đây do Bloomberg thực hiện, thị trường Trung Quốc đang tỏ ra kém hấp dẫn hơn so với Mỹ trong mắt các nhà đầu tư. Nguyên nhân chính là do hiện tương bong bóng tài sản đang có nhiều khả năng xuất hiện trở lại tại nền kinh tế này.

Tình trạng nợ xấu cũng được xem là trở lực chính đối với nhiều quốc gia trong việc thu hút đầu tư. Hy Lạp được xem là quốc gia rủi ro nhất hiên nay. Tiếp sau đó là Argentina, Nga, Ireland, Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha và Mexico.

Hôm qua, Bank of America công bố kết quả kinh doanh thất vọng hơn dự kiến, khiến các nhà đầu tư hoang mang. Bank of America, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ về tài sản, công bố lỗ 194 triệu USD trong 3 tháng cuối năm 2009. Tuy nhiên, việc trả nợ cho chính phủ khiến thua lỗ của các cổ đông lên tới 5,2 tỷ USD. Cho cả năm 2009, lợi nhuận của Bank of America đạt 6,3 tỷ USD. Tuy nhiên, các cổ đông lỗ 2,2 tỷ USD.

Tờ New York Times cho biết sẽ tiến hành thu phí đối với độc giả sử dụng một số nội dung trên phiên bản điện tử của báo kể từ năm 2011. Đây là nỗ lực thứ hai của New York Times trong việc thu phí trên phiên bản điện tử trong vòng 4 năm qua. Việc làm này nhằm bù đắp phần nào phần doanh thu quảng cáo và phát hành đang giảm mạnh.

Đúng 10 giờ sáng này theo giờ Hà Nội, Chính phủ Trung Quốc thông báo tăng trưởng GDP của nước này trong quý IV/2009 đạt 10,7%, cao nhất từ năm 2007 trở lại đây. Tính chung trong cả năm 2009, GDP Trung Quốc tăng trưởng 8,7%, vượt xa mục tiêu đầu năm là 8% mà Thủ tướng Ôn Gia Bảo đề ra.

Nhật Minh